Một số quy định mới đối với xe tập lái

Từ ngày 1-11, xe tập lái không còn thuộc sở hữu của trường dạy lái xe .

Chính phủ đã ban hành Nghị định (NĐ) 70/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đường bộ. Trong đó có nội dung sửa đổi điều kiện về xe tập lái của cơ sở đào tạo lái ô tô tại NĐ 65/2016.blank

Bỏ quy định xe tập lái thuộc sở hữu trường dạy lái xe

Theo quy định của NĐ 70/2022, xe tập lái các hạng thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe, chứ không còn bắt buộc phải thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo lái xe như quy định của NĐ 65/2016.

Cũng theo quy định của NĐ 70, xe tập lái phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái. Trường hợp cơ sở đào tạo có dịch vụ sát hạch lái xe, căn cứ thời gian sử dụng xe sát hạch vào mục đích sát hạch, được phép sử dụng xe sát hạch để đào tạo lái xe nhưng không quá 50% số xe sát hạch sử dụng để dạy lái.

Như vậy, so với NĐ 65/2016, NĐ 70/2022 đã bỏ điều kiện xe tập lái thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo lái xe. Đồng thời cũng không còn quy định về việc xe tập lái có thể sử dụng xe hợp đồng thời hạn từ một năm trở lên với số lượng không vượt quá 50% số xe sở hữu cùng hạng tương ứng của cơ sở đào tạo đối với xe tập lái các hạng B1, B2, C, D, E; xe tập lái hạng FC có thể sử dụng xe hợp đồng với thời hạn và số lượng phù hợp với nhu cầu đào tạo. Riêng xe hạng B1, B2 có số tự động được sử dụng xe hợp đồng.

Theo giải thích của một vị đại diện trường dạy lái xe, quy định này nhằm giải quyết bài toán xã hội hóa cho các cơ sở đào tạo lái xe. “Quy định mới này sẽ có lợi cho cơ sở đào tạo. Đơn cử như một số xe cũ, cơ sở đào tạo muốn thay đổi xe thì rất rắc rối. Tuy nhiên, theo quy định mới, người mua xe, đăng ký sở hữu của chính mình và khi muốn cho thuê xe làm xe tập lái thì chỉ cần sửa chữa, đăng kiểm, đăng ký theo quy định của xe tập lái là được” – vị này cho hay.

Vẫn giữ quy định về điều kiện xe tập lái

Đại diện một trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe khác cũng phân tích về mặt được của quy định mới này, đặc biệt đối với những đơn vị ít có xe sở hữu, thay vào đó lại có nhiều xe hợp đồng. “Trước đây quy định phải có 50% xe hợp đồng trên số xe chính chủ. Ví dụ như cơ sở đào tạo có 100 chiếc chính chủ thì chỉ được ký hợp đồng 50 chiếc.

Còn bây giờ, nếu cơ sở đào tạo muốn mở trường nhưng không có xe chính chủ có thể gom xe của các giáo viên, thành viên lại để mở trường và được chấp thuận. Quy định này là có lợi cho một số đơn vị cổ phần với nhiều người” – vị này cho hay.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe, Sở GTVT TP.HCM, cho hay NĐ 70/2022 quy định xe tập lái thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo. Đây là quy định tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo, đặc biệt đối với đơn vị nào chưa đủ tiềm lực để mua xe, thay vào đó đơn vị này được quyền thuê xe.

“Tuy nhiên, việc thuê xe có thể chi trả mức chi phí nhiều hơn khi mua xe chính chủ, vấn đề này là tùy thuộc vào điều kiện từng của đơn vị” – ông Quang cho hay.

Cũng theo ông Quang, các quy định về xe tập lái vẫn được giữ nguyên như chịu sự quản lý của các cấp, quy định dân sự, hợp đồng kinh tế. Hay ràng buộc các quy định như xe tập lái phải có cải tạo, có giấy phép khi đủ điều kiện thắng phụ, đi đúng tuyến đường, phải được cấp phép hay giáo viên dạy lái kèm học viên. Nếu đơn vị nào sai phạm sẽ bị thanh tra giao thông xử phạt theo quy định.•

Siết chặt quản lý xe tập lái

Mới đây, Cục Đường bộ cũng có văn bản yêu cầu các sở GTVT địa phương tăng cường quản lý công tác đào tạo thực hành lái xe. Theo đó, các sở GTVT được giao nhiệm vụ rà soát việc cấp phép tuyến đường tập lái cho các cơ sở đào tạo lái xe, qua đó đảm bảo tuyến đường tập lái phù hợp với các yêu cầu của nội dung đào tạo và tình hình giao thông thực tế trên tuyến, cũng như tránh xảy ra những nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Đáng chú ý, Cục Đường bộ nghiêm cấm các trường hợp chủ quan, giao phương tiện để học viên tự học mà không có giáo viên bảo trợ tay lái hoặc tiến hành đào tạo trên các phương tiện không đảm bảo điều kiện theo quy định. Các sở GTVT cũng được yêu cầu phải chỉ đạo các trường dạy lái xe quản lý chặt chẽ giáo viên, xe tập lái, cũng như chỉ được sử dụng những giáo viên và phương tiện đủ điều kiện giảng dạy.

“Các trường dạy lái có trách nhiệm kiểm tra và đảm bảo tính chính xác thông tin về giáo viên và xe tập lái được phân công phải đúng với nội dung khai báo trên phần mềm quản lý” – văn bản của Cục Đường bộ nêu.

5/5 (1 bình chọn)
Thẻ:,

Bình luận