Ý kiến khác nhau về dự kiến tăng tuổi lái xe bằng E

Ý kiến khác nhau về dự kiến tăng tuổi lái xe bằng E

Nhiều ý kiến nhận định người lái xe ô tô trên 30 chỗ ngồi cần đảm bảo các điều kiện về sức khỏe, kỹ năng và phản xạ khi tham gia giao thông.

Dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) tăng tối đa tuổi lao động của người lái xe chở người trên 30 chỗ ngồi (bằng E) lên 62. Đồng thời, đại diện Bộ GTVT là cơ quan soạn thảo dự luật cũng cho hay đang lấy ý kiến chuyên gia, người dân về nội dung trên (xem thêm bài “Lý do Bộ GTVT đề xuất tăng tuổi lái xe bằng E” trên Pháp Luật TP.HCM ngày 21-5).

Ý kiến khác nhau về dự kiến tăng tuổi lái xe bằng E
Ý kiến khác nhau về dự kiến tăng tuổi lái xe bằng E

Nhà nước đang quy định độ tuổi để lái xe tương đối hợp lý, còn việc nâng độ tuổi lái xe hạng E lên như vậy tôi nghĩ là rất nguy hiểm.

Theo tôi, bước qua tuổi 55 chỉ nên lái xe đi chơi cùng gia đình, không nên lái xe nhằm mục đích kiếm tiền. Bởi vấn đề sức khỏe ở độ tuổi này rất khó kiểm soát. Điển hình nhất là huyết áp thất thường, thần kinh, thị lực và phản xạ kém hơn… Ngoài ra, người lái xe phải đối mặt với nhiều thứ như xe cộ dập dìu, mệt mỏi và đặc biệt là bị áp lực từ phía người sử dụng lao động.

Đối với những người có kinh tế ổn định, gia đình sẽ không đồng ý cho họ lái xe khi bước qua tuổi 55. Chỉ có những người khó khăn mới cần theo nghề nhưng trong người lại mang sức khỏe như vậy thì dễ xảy ra tai nạn. Đây là việc chẳng đặng đừng thôi.

Nhà nước thay vì xem xét làm sao để tạo nghề nghiệp nào phù hợp hỗ trợ những lứa tuổi này hơn là để họ lái xe, để rồi những người liên quan phải ảnh hưởng theo. Nguồn lực lao động xã hội tăng thêm một nhưng kéo theo hệ lụy rất lớn cho xã hội.

Nói về vấn đề kinh nghiệm, tôi thấy việc lái xe cũng như bác sĩ phẫu thuật vậy, không chỉ cần kinh nghiệm mà còn phải cần sự chính xác (chẳng hạn bị run tay sẽ rất nguy hiểm).

Ông TRẦN KIÊM HẠ, tài xế đã nghỉ hưu

Đối với xe có tải trọng nhỏ thì còn có thể, còn các loại xe lớn mà để người lớn tuổi điều khiển sẽ không ổn.

Tỉ lệ người tuổi trên 55 mắc các bệnh lý về huyết áp, tim mạch rất nhiều. Đặc biệt, đối với nam giới tuổi từ 55 trở lên có nhiều bệnh lý kết hợp, trong sách bệnh lý về lão khoa cũng nêu rõ vấn đề này.

Thứ nhất, bệnh lý tim mạch ở lứa tuổi này chiếm tỉ lệ lớn. Thứ hai, ở lứa tuổi này nếu tham gia vào công việc điều khiển xe vận tải có tải trọng lớn, gặp căng thẳng thì huyết áp sẽ tăng. Có thể có nhiều trường hợp không tỉnh táo để điều khiển.

Thứ ba, ở tuổi này còn có bệnh lý về mạch, xơ vữa động mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi rối loạn chuyển hóa mỡ đồng nghĩa với việc dễ dẫn đến thiểu năng tuần hoàn não (thiếu máu não), dễ bị chếnh choáng. Nếu khi đó mà đang lái xe thì rất nguy hiểm.

Tiếp theo, tuổi này là tuổi dễ hạ huyết áp về tư thế đứng, vì tài xế đường dài thường ngồi lâu, khi thay đổi là huyết áp theo đó cũng thay đổi.

BS VŨ ĐÌNH ÂN, Phó Chủ nhiệm Khoa hồi sức tích cực,
BV Quân y 175 (TP.HCM)

Đề xuất hợp lý

Thực tế nam giới trên 55 tuổi không phải ai cũng mắc các bệnh lý về tim mạch hay huyết áp. Nhiều người vẫn có đủ sức khỏe để lái ô tô chở người trên 30 chỗ.

Thông thường, đối với các loại ô tô trên 30 chỗ sẽ là xe đường dài, mà người sử dụng lao động sẽ phân chia thường trực trên xe hai người trở lên. Theo đó, các tài xế sẽ chia nhau lái xe theo giờ và nghỉ ngơi những lúc không làm việc. Vì vậy, việc Bộ GTVT đề xuất vấn đề này là hợp lý.

Đồng thời, việc thiếu nhân lực lái xe đường dài sẽ hỗ trợ được doanh nghiệp sử dụng lao động khi đã biết được kỹ năng lái xe của tài xế và chủ động trong phân công công việc.

Giám đốc một trung tâm đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe tại TP.HCM

Tùy sức khỏe thực tế

Ở nước ngoài không quy định hạn chế số tuổi đối với người lái xe ô tô trên 30 chỗ ngồi. Người nào khám sức khỏe tốt về mắt, tay và tai là đủ yêu cầu lái xe này. Thông thường trên 60 tuổi vẫn lái xe rất tốt nhưng cũng có người mới 40 tuổi đã không đủ điều kiện lái xe.

Ví dụ như 40 tuổi mà nhìn không rõ thì không lái xe được, ngược lại trên 65 tuổi mà phản xạ tốt và có kỹ năng sẵn, kèm theo sức khỏe ổn định nữa thì vẫn không sợ các nguy hiểm trên đường khi tham gia giao thông.

Vì vậy, việc tuyển dụng tài xế chủ yếu phụ thuộc vào sức khỏe thực tế chứ không nên phụ thuộc vào độ tuổi của tài xế.

Ông NGUYỄN MINH ĐỒNG, chuyên gia ô tô, xe máy

Cần có nghiên cứu chặt chẽ

Đề xuất của Bộ GTVT cũng mang tính chất hợp lý vì nhằm mục đích đồng bộ hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Trong Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021), đề xuất tăng độ tuổi nghỉ hưu của người lao động lên nam là 62 và nữ là 57. Theo đó, một số ngành nghề hợp lý sẽ có độ tuổi được nâng lên.

Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc, so sánh ở nhiều góc độ khác nhau. Đối với giấy phép lái xe hạng E này nên xin ý kiến của Bộ Y tế trước. Liệu rằng độ tuổi này còn đủ độ tinh nhanh, độ nhanh nhạy đối với ngành nghề này hay không.

Công việc này cũng mang tính chất đặc thù, liên quan đến tính mạng của con người, vì vậy trong trường hợp này nên xin ý kiến của Bộ Y tế nữa. Sợ nhất là vấn đề bộ phận mắt, ở độ tuổi đó có thể không nhìn được hình ảnh rõ ràng nữa, khi tham gia giao thông sẽ ảnh hưởng tới chất lượng.

Vì thế, cần có nghiên cứu chặt chẽ để tránh vấn đề đồng bộ pháp luật mà lại ảnh hưởng đến chất lượng. Khi đã quy định ở độ tuổi sau 55, muốn tiếp tục tham gia việc lái xe thì nên chăng việc khám sức khỏe ở độ tuổi này sẽ được đề cao hơn. Bởi lẽ, có thể độ tuổi này dễ bị hốt hoảng khi nghe tiếng động lớn, dẫn đến tai nạn xảy ra.

ThS LƯỜNG MINH SƠN, giảng viên môn Luật lao động – ĐH Luật TP.HCM

5/5 (1 bình chọn)
Thẻ:,

Bình luận